VAR Gây Quá Nhiều Tranh Cãi Ở World Cup 2022
Tham vọng sử dụng công nghệ để đưa ra những quyết định công bằng và ít gây tranh cãi của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) không thực sự thành công. VAR Gây Quá Nhiều Tranh Cãi Ở World Cup 2022 khiến các cổ động viên dần không còn tin tưởng vào công nghệ này.
VAR vẫn gây tranh cãi
Khi một cổ động viên dùng điện thoại và ống nhòm để sáng tạo ra “VAR của riêng mình” trên khán đài trận Brazil và Serbia ở World Cup 2022, anh tạo ra cơn sốt trên mạng. Người hâm mộ thích thú với ý tưởng này, và không ít người còn chế nhạo rằng FIFA có lẽ nên dùng hệ thống của tay CĐV nọ để dùng tại giải đấu cho đỡ tốn kém.
Bởi ngay cả khi được quảng cáo là áp dụng các công nghệ mới nhất để tăng sự chính xác hay công bằng, VAR và các quyết định của trọng tài tại World Cup 2022 vẫn gây tranh cãi.
Những quyết định không thuyết phục
Vòng bảng World Cup 2022 chưa kết thúc, nhưng số tranh cãi liên quan đến các quyết định của trọng tài đã vượt qua hai chữ số. Tính đến ngày thi đấu 30/11, chỉ riêng VAR đã có 16 quyết định liên quan trực tiếp vào các tình huống dẫn đến bàn thắng. Hơn nửa trong số đó đều không thuyết phục được số đông.
Quyết định thổi phạt đền ở trận Bồ Đào Nha thắng Ghana 3-2 là một trong những đề tài gây tranh cãi nhất. Cựu tuyển thủ Nigeria, Sunday Oliseh, thành viên tiểu ban kỹ thuật FIFA, gọi tình huống ngã kiếm phạt đền của Ronaldo trước Ghana ở loạt trận đầu tiên là khôn ngoan, khi CR7 chờ đợi đúng khoảnh khắc khiến đối thủ phạm lỗi.
Song, một số góc quay chỉ ra rằng trung vệ Mohammed Salisu của Ghana không có tác động đủ lớn để khiến Ronaldo ngã ra như thế. Vấn đề ở đây là VAR không can thiệp khi trọng tài thổi 11 m. HLV Ghana, Otto Addo, tuyên bố: “Tôi không biết trọng tài VAR có làm việc tập trung không nữa”.
Mike Dean, cựu trọng tài nổi tiếng Ngoại hạng Anh, cũng thắc mắc khi VAR không can thiệp để đưa ra quyết định chính xác hơn. Ông cho biết: “Hậu vệ Ghana rõ ràng đã chơi bóng. Ronaldo sau đó chạm vào lưng hậu vệ, ngã xuống, chủ động kiếm phạt đền. Đó không phải lỗi của trọng tài – ông ấy đưa ra quyết định trên sân. Theo tôi, VAR phải vào cuộc và mời trọng tài đến xem”.
Dale Johnson, chuyên gia về luật bóng đá, cho rằng nếu trọng tài không thổi phạt đền, không có khả năng VAR sẽ xác định lỗi trong tình huống đó. Bởi băng quay chậm cho thấy tác động của trung vệ lên Ronaldo không đủ lớn.
Tại sao VAR không vào cuộc trong tình huống đó? FIFA chưa đưa ra giải thích rõ ràng nào, và nó chỉ khiến làn sương mù xung quanh nhiều quyết định của các “vua áo đen” thêm mờ hơn.
Sau đó, Bồ Đào Nha tiếp tục được hưởng lợi trên chấm 11 m ở trận gặp Uruguay. Trung vệ Gimenez để bóng chạm tay trong vùng cấm khi ngã xuống, VAR can thiệp khiến trọng tài chính thay đổi quyết định và thổi penalty, giúp Bruno Fernandes ghi bàn ấn định tỷ số thắng 2-0.
Nhiều trọng tài cũng cảm thấy tình huống Gimenez bị thổi phạt dùng tay chơi là không thuyết phục. Ảnh: Reuters.
Luật mới năm 2021 của IFAB (Hiệp hội Bóng đá Quốc tế) diễn giải cầu thủ không bị bắt lỗi chạm tay khi phần cơ thể đó hỗ trợ cho việc ngã hoặc đứng lên từ mặt đất, nói nôm na là “trạng thái tự nhiên” và không cố tình dùng tay chơi bóng.
Pha bóng của Gimenez thỏa mãn đủ các điều kiện để được xem là “không cố tình dùng tay chơi bóng” trong luật mới của IFAB. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là ở trọng tài. Đây chính là khoảng mờ của luật chạm tay trong vùng cấm khiến nhiều CĐV bức xúc.
Ngay cả khi IFAB điều chỉnh và đơn giản hóa luật chạm tay trong vùng cấm, trọng tài và VAR vẫn gây ra các quyết định tranh cãi. VAR có đúng khi can thiệp trong tình huống đó vì ban đầu trọng tài đã bỏ qua cho Gimenez? Tại sao VAR can thiệp để dẫn đến penalty ở trận Bồ Đào Nha – Uruguay mà không xem lại tình huống trọng tài chính thổi phạt đền ở trận Bồ Đào Nha – Ghana?
Đó là sự thiếu nhất quán khác trong cách VAR được sử dụng ở World Cup năm nay. Canada cũng là một đội khác có quyền bức xúc. Ở trận thua 0-1 của họ trước Bỉ tại loạt đầu, đại diện CONCACAF bị từ chối hai quả phạt đền trong hiệp 1. Sau khi Tajon Buchanan bị Jan Vertonghen phạm lỗi trong vùng cấm, trọng tài điều khiển trận đấu, Janny Sikazwe và các trợ lý cho rằng cầu thủ Canada đã việt vị trước đó.
Điều đáng nói ở đây, Buchanan chưa hề việt vị vì anh nhận đường chuyền về của Eden Hazard. Pha quay chậm sau đó cho thấy Buchanan bị Vertonghen giẫm vào chân. Có quan điểm cho rằng Vertonghen vào trúng bóng trước, nên VAR không can thiệp. Tuy nhiên, điều này chưa được VAR xác nhận. Nếu VAR yêu cầu trọng tài chính ra xem lại tình huống và đưa quyết định của riêng mình, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn. Cuối cùng, Canada mất đi cơ hội được xem xét thổi penalty chỉ vì tổ trọng tài đánh giá sai tình huống việt vị.
Canada sau đó còn bị từ chối một quả penalty khác ở cuối hiệp 1, sau khi Witsel phạm lỗi với Laryea trong vùng cấm. Tình huống này thậm chí còn rõ ràng hơn pha bóng trước. Trọng tài Sikazwe và tổ VAR một lần nữa không thổi penalty cho Canada. Cần nhớ rằng ông Sikazwe từng gây tai tiếng ở CAN Cup hồi đầu năm, khi kết thúc trận đấu giữa Mali và Tunisia ở phút 85. Việc FIFA vẫn để trọng tài này bắt ở World Cup 2022 khiến nhiều người đặt dấu hỏi.
Công nghệ bắt việt vị quá máy móc?
Công nghệ bắt việt vị bán tự động cũng là đề tài gây tranh cãi. Trong trận Argentina thua Saudi Arabia 1-2, Lautaro Martinez bị bắt lỗi việt vị vì có phần tay áo ở phía dưới so với cầu thủ đối phương. Điều đáng nói ở đây là cả hai chân của tiền đạo Argentina vẫn đứng trên hậu vệ Saudi Arabia.
Lautaro Martinez có tình huống di chuyển khôn ngoan nhưng ôm hận vì công nghệ bắt việt vị mới.
Luật việt vị vốn được sinh ra để hạn chế việc cầu thủ đứng dưới đối thủ nhằm tạo lợi thế cho mình. Nhưng ở tình huống của Martinez, tiền đạo Argentina đã di chuyển cực kỳ khôn ngoan và hai chân đứng trên trung vệ Saudi Arabia.
Nhà báo Robin Bairner (Goal) chia sẻ với Zing rằng công nghệ bắt việt vị của FIFA gần như giết chết tính người trong bóng đá. “Tôi không thể chờ đến khi ai đó ghi bàn bằng vai và bị công nghệ từ chối bàn thắng vì để bóng chạm tay”, anh nói.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động có thể đem lại sự chính xác tuyệt đối (theo lời FIFA), nhưng các quyết định khác của trọng tài và VAR lại không cho thấy điều đó.
Hai quả phạt đền Bồ Đào Nha được hưởng hay hai tình huống cầu thủ Canada ngã trong vùng cấm tuyển Bỉ, tất cả đều mang yếu tố cảm tính từ trọng tài. Đó là một chỉ dấu cho thấy những tranh cãi vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong phần còn lại của giải đấu.
Nguồn Zingnews.
tag: #tintuc, #tinthethao, #tinbongda, #worldcup2022, #tinthethaoquocte, #tinbongdaworldcup, #aobongda123, #hethongthethaodongduong, #dongduongsport, #congnghevargaytranhcai
Xem thêm tin